Tai nạn lao động là một trong những vấn đề được nhiều người lao động và doanh nghiệp quan tâm. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người lao động. Vậy Tai nạn lao động là gì?
Tai nạn lao động
Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể, hoặc thậm chí có thể gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với công việc, nhiệm vụ lao động.
Tai nạn lao động có thể xảy ra tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, hoặc ngoài nơi làm việc và ngoài giờ làm việc khi người lao động thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc bị tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại.
Phân loại tai nạn lao động
Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 39/2016/NĐ-CP tai nạn lao động có thể được phân loại theo mức độ thiệt hại cho người lao động thành 03 loại như sau:
Tai nạn lao động làm chết người
Tai nạn lao động làm chết người lao động (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động chết người) là tai nạn lao động mà người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp sau:
– Chết tại nơi xảy ra tai nạn
– Chết trên đường đi cấp cứu, hoặc trong thời gian cấp cứu
– Chết trong thời gian điều trị, chết do tái phát vết thương do tai nạn lao động gây ra theo kết luận của biên bản giám định pháp y.
– Người lao động được quyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích.
Tai nạn lao động nặng
Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động nặng) là tai nạn lao động làm người lao động bị ít nhất một trong những chấn thương được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
Tai nạn lao động nhẹ
Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nhẹ (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động nhẹ) là tai nạn lao động không thuộc 02 trường hợp nêu trên.
Người lao động được hưởng trợ cấp tai nạn lao động khi nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH có quy định người lao động được hưởng trợ cấp tai nạn lao động dựa trên các căn cứ sau:
– Đối tượng: Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
– Nguyên nhân: Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn gây ra (căn cứ theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động).
Trường hợp người lao động không được hưởng chế độ khi bị tai nạn lao động
Theo khoản 1 Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động sẽ không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động quy định tại Điều 38 và Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 nếu bị tai nạn thuộc một trong các nguyên nhân sau:
- Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
- Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
- Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Người lao động bị tai nạn lao động được hưởng các chế độ và bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có một số trường hợp người lao động không được hưởng chế độ nếu như do mâu thuẫn cá nhân, do cố ý tự hủy hoại sức khỏe hoặc do sử dụng ma túy, chất gây nghiện.