Những ngày gần đây mạng xã hội xôn xao với vụ việc nam sinh của một trường trung học phổ thông tại Hà Nội tử tự bằng cách nhảy từ ban công của nhà chung cư xuống đất. Nam sinh đã qua đời ngay sau đó, nguyên nhân của hành động này xuất phát từ việc em học sinh trên gặp quá nhiều áp lực trong học tập đến mức không thể chịu đựng được. Đây là bài học đau xót cho mọi gia đình, mọi bậc phụ huynh có con đang trong lứa tuổi học sinh.
Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là clip do camera phòng khách của gia đình quay cảnh em học sinh nhảy từ ban công xuống dưới và ảnh chụp bức thư cuối cùng mà em này gửi cho bố mẹ của mình bằng cách nào đó đã được phát tán và lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Đây là những thông tin mang tính riêng tư, bí mật của gia đình nam sinh và nó được phát tán công khai khi chưa được sự cho phép của bất cứ cá nhân tổ chức nào. Nhiều người xem xong đoạn clip và bức thư của em nam sinh liền lấy đó làm lý do để chỉ trích, công kích cá nhân và đổ lỗi nặng nề vào gia đình em. Đây là hành động rất thiếu nhân văn của nhiều người dùng mạng xã hội. Việc em học sinh tự tử là điều không ai mong muốn và người đau lòng nhất vẫn là những người thân trong gia đình em. Theo thời gian người ngoài cuộc sẽ quên đi vụ việc này nhưng đối với người làm cha mẹ mất con thì nỗi đau không bao giờ nguôi bớt. Nhưng nguồn gốc vấn đề vẫn là hành vi phát tán, lan truyền trái phép đoạn clip và bức thư cuối cùng của em học sinh trên, người thực hiện hành vi này cần bị xử lý theo quy định pháp luật. Việc phát tán lan truyền thông tin trên khi chưa được phép đã xâm phạm nghiêm trọng đời sống riêng tư của người đã mất và gia đình. Điều này khắc sâu vào nỗi đau của cha mẹ em học sinh xấu số, khiến cho họ phải chịu những lời chì chiết vô cùng đau đớn từ phía dư luận.
Về quy định pháp luật, người có hành vi phát tán clip và bức thư nói trên lên mạng xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử. Cụ thể căn cứ điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định này: “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”. Người vi phạm bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức và từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân. Cơ quan công an cần phải vào cuộc để tìm ra ai là người đã phát tán nội dung trên lên mạng xã hội để xử lý nghiêm minh. Như vậy sẽ bảo vệ được gia đình người đã mất vừa giúp cho văn hóa ứng xử trên mạng của người dùng được nâng cao hơn.