Các Start-up thường có rất nhiều ý tưởng kinh doanh hấp dẫn và đa dạng, bởi vậy mà khi bắt đầu khởi nghiệp, họ thường tập trung nhiều vào việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển ý tưởng. Các vấn đề pháp lý phát sinh xoay quanh quá trình khởi nghiệp dường như chưa được chú trọng lắm.
Khởi nghiệp là gì?
Khởi nghiệp có thể hiểu là việc một cá nhân hay một nhóm người bắt đầu xây dựng một mô hình kinh doanh riêng. Đây là quá trình tạo ra và phát triển một doanh nghiệp mới hoặc sáng tạo một sản phẩm/dịch vụ mới. Khởi nghiệp là một quá trình đầy thách thức, bởi vì nó yêu cầu sự tự tin, sáng tạo và sự quản lý tốt của những người khởi nghiệp để tạo ra một công ty thành công.
Khởi nghiệp có thể gồm nhiều giai đoạn, như từ việc lên ý tưởng, thực hiện ý tưởng và duy trì, phát triển doanh nghiệp của mình.
Thỏa thuận cụ thể trước khi thành lập doanh nghiệp
Những người khởi nghiệp lúc đầu thường gắn kết với nhau bằng sự đam mê, khao khát tạo ra những giá trị cho xã hội, sản phẩm cho thị trường. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng các thành viên chỉ cần góp vốn và công sức để khởi nghiệp, đưa việc kinh doanh phát triển là được. Vì vậy, những người sáng lập thường không chú trọng đến việc thành lập và vận hành doanh nghiệp mà chỉ chia sẻ ý tưởng và thỏa thuận miệng các điều kiện kinh doanh, hợp tác với nhau.
Tuy nhiên, các thỏa thuận ban đầu thường sơ sài và dưới góc độ pháp lý chỉ là những thỏa thuận dân sự. Khi dự án khởi nghiệp phát triển và có lợi nhuận, hoặc khi tìm được nhà đầu tư hợp tác thì bài toán tài chính đặt ra lúc đó mới quan tâm đến vấn đề lợi ích và giữa những người sáng lập sẽ xảy ra các xung đột, mâu thuẫn liên quan đến việc góp vốn, sử dụng vốn, quyền sở hữu tài sản, phân chia lợi nhuận… Lúc này những thỏa thuận sơ sài ban đầu sẽ không đủ cơ sở minh định để giải quyết các vấn đề tranh chấp phát sinh.
Do vậy, dù là người thân hay bạn bè tri kỷ, các nhà sáng lập cũng nên rõ ràng ngay từ đầu bằng văn bản cụ thể về các điều khoản hợp tác, phương thức kinh doanh, chia lợi nhuận, quyền và trách nhiệm của nhau… để tránh mâu thuẫn về sau.
Lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp
Lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp là một trong những yếu tố cơ bản để quyết định sự thành công và tính ổn định của doanh nghiệp. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện nay thì có nhiều loại hình doanh nghiệp để người khởi nghiệp lựa chọn như: doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH (một thành viên, hai thành viên trở lên), công ty cổ phần, công ty hợp danh…
Tại Việt Nam, có nhiều loại hình doanh nghiệp phổ biến mà bạn có thể lựa chọn. Dưới đây là một số loại hình doanh nghiệp phổ biến:
Công ty trách nhiệm hữu hạn
Loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất tại Việt Nam. Công ty trách nhiệm hữu hạn có hai loại: công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên. Công ty này giới hạn trách nhiệm của các chủ sở hữu.
Công ty cổ phần
Loại hình doanh nghiệp phổ biến và linh hoạt. Công ty cổ phần có thể niêm yết trên sàn chứng khoán và thu hút được vốn từ các nhà đầu tư.
Doanh nghiệp tư nhân
Đây là loại hình doanh nghiệp thuộc sở hữu của một người. Chủ sở hữu đơn lẻ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và rủi ro của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp hợp danh
Là loại hình doanh nghiệp do hai hoặc nhiều người cùng nhau thành lập và chịu trách nhiệm về công việc kinh doanh. Các thành viên có thể chia sẻ lợi nhuận và rủi ro, quản lý chung một hoạt động kinh doanh nhất định.
Doanh nghiệp nhà nước
Là một loại hình doanh nghiệp được sở hữu, điều hành và kiểm soát bởi chính phủ hoặc các cơ quan nhà nước. Đây là các tổ chức kinh doanh có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của một quốc gia và thường hoạt động trong các ngành công nghiệp chiến lược như năng lượng, viễn thông, hậu cần, vận tải, bảo hiểm, ngân hàng và các lĩnh vực khác. Mục tiêu của doanh nghiệp nhà nước thường là cung cấp dịch vụ công cộng, tạo động lực phát triển kinh tế và đảm bảo lợi ích chung của xã hội.
Đăng ký kinh doanh
Đăng ký kinh doanh trong pháp lý khởi nghiệp là quá trình mà một công ty mới thành lập hoặc một doanh nghiệp mới muốn hoạt động chính thức trên thị trường phải tiến hành để được công nhận và hợp pháp hóa. Quá trình này bao gồm việc đăng ký tên doanh nghiệp, đăng ký loại hình doanh nghiệp, thu thập và nộp các giấy tờ cần thiết, và thực hiện các bước thủ tục theo quy định của pháp luật.
Việc đăng ký kinh doanh trong pháp lý khởi nghiệp giúp doanh nghiệp có quyền pháp nhân, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm pháp lý, và có thể hoạt động một cách chuyên nghiệp và bền vững trên thị trường.
Vấn đề liên quan đến thuế doanh nghiệp
Việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến cách tính toán và đóng thuế. Có các loại hình doanh nghiệp như công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, và doanh nghiệp cá nhân. Mỗi loại hình doanh nghiệp có quy định riêng về thuế và quyền lợi thuế.
Khi thành lập, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ quy định pháp luật và nộp các loại thuế và phí tương ứng. Các loại thuế và mức đóng phụ thuộc vào loại hình kinh doanh và hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, một doanh nghiệp có thể phải chịu các loại thuế sau: thuế môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất – nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất, thuế tiêu thụ đặc biệt,…
Chuẩn bị các giấy tờ pháp lý cần thiết
Có thể nói, lợi nhuận từ dự án và hợp tác kinh doanh là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nhân khởi nghiệp, vì vậy những vấn đề về pháp lý và thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp thường bị bỏ quên. Điều đó dẫn đến việc các doanh nhân khởi nghiệp thường bị động trong việc chuẩn bị giấy tờ pháp lý về doanh nghiệp của mình khi có đối tác, khách hàng yêu cầu đột ngột, nhiều nguy cơ bị tuột mất cơ hội làm ăn, hợp tác.
Khi bắt đầu khởi nghiệp, các doanh nhân cần tìm hiểu và chuẩn bị các giấy tờ pháp lý liên quan như: giấy tờ tùy thân của người khởi nghiệp, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp, thỏa thuận hợp tác, chứng nhận góp vốn… Đối với một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện còn bao gồm giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (giấy phép con). Hiện nay có nhiều đơn vị nhận thực hiện các dịch vụ này (các văn phòng luật sư, công ty tư vấn…) nên các doanh nhân khởi nghiệp cũng không quá vất vả để thiết lập và lưu trữ hồ sơ, quản trị.
Thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ
Hiện nay, việc vi phạm về sở hữu trí tuệ còn rất phổ biến với tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường luôn là vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt với đặc điểm của các doanh nhân khởi nghiệp thường đề cao tính đổi mới sáng tạo, độc đáo trong sản phẩm, thì những thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ càng cần được đặt lên hàng đầu.
Theo quy định của pháp luật, sản phẩm trí tuệ bao gồm sáng kiến, sáng chế, công thức chế tạo, logo, nhãn hiệu, slogan… Các sản phẩm này có thể được tạo ra bởi chính người sáng lập hoặc bởi bên thứ ba được thuê (công ty thiết kế đồ họa, những người phát triển cho sản phẩm công nghệ…), các nhân viên của doanh nghiệp khởi nghiệp.
Việc ký kết thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp làm rõ ai, tổ chức nào là người sở hữu, có quyền sử dụng (trong thời gian bao lâu) và ai, tổ chức nào có quyền mua lại các sản phẩm trí tuệ này… Đặc biệt, với các doanh nghiệp trong lĩnh vực về công nghệ, thông tin, truyền thông… thì những sản phẩm trí tuệ này là nền tảng hoạt động, nên nếu có xảy ra tranh chấp thì sự tồn tại của doanh nghiệp sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Điều khoản sử dụng website
Có thể nói truyền thông, kỹ thuật số là kênh nổi bật mà các nhà khởi nghiệp nhắm đến để quảng bá sản phẩm của mình và tiếp cận khách hàng, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Họ thường dùng các trang web, fanpage, mạng xã hội hay cửa hàng ảo… để quảng cáo. Vì vậy, việc nắm rõ các điều khoản sử dụng trang web là một điều quan trọng đối với các nhà khởi nghiệp.
Theo nhận xét của chúng tôi, nếu các doanh nghiệp có một trang web riêng thì phải kèm theo các điều khoản quy định cách sử dụng trang web hay những thông tin có trên trang web đó đối với người truy cập.
Các điều khoản này cũng là nền tảng giúp các nhà sáng lập doanh nghiệp giảm thiểu hoặc miễn trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm của người truy cập, đặc biệt đối với những trang web mà người sử dụng có thể đăng bài viết hoặc lời nhận xét. Điều lưu ý là các doanh nhân đừng quên rằng trang web của đơn vị phải được thông báo hoặc đăng ký tại Sở Thông tin truyền thông hoặc Bộ Thông tin truyền thông theo quy định hiện nay.