Văn phòng đại diện (VPĐD) là “căn cứ” mà nhiều công ty, doanh nghiệp hướng đến, có thể được thiết lập ở trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì không cần thiết phải có văn phòng này nữa nên các doanh nghiệp sẽ cho chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện. Vậy Chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện có cần đăng ký với cơ quan thuế không?
Văn phòng đại diện là gì?
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 44 Luật doanh nghiệp năm 2020:
“Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.”
Như vậy, Văn phòng đại diện không được phép kinh doanh, hoạt động sinh lời, phát sinh doanh thu mà là đơn vị phụ thuộc vào doanh nghiệp, thực hiện các hoạt động như liên lạc, thúc đẩy tiến độ dự án…
VD: Doanh nghiệp A sản xuất và kinh doanh mặt hàng B thì VPĐD của doanh nghiệp A không được phép sản xuất hay kinh doanh mặt hàng B. Mà chủ được thực hiện các hoạt động nhằm mục đích sinh lời theo sự ủy quyền của doanh nghiệp A hoặc người đứng đầu doanh nghiệp A.
Doanh nghiệp cần phải chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện khi nào?
Do văn phòng đại diện không tạo ra lợi nhuận nên trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn trong triển khai hoạt động kinh doanh, thay đổi chiến lược kinh doanh thì công ty hoàn toàn có thể chủ động giải thể văn phòng đại diện để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 213 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện trong các trường hợp sau:
- Do công ty mẹ giải thể nên văn phòng đại diện phải giải thể theo;
- Phải giải thể do hết thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép thành lập VPĐD mà doanh nghiệp không tiếp tục gia hạn;
- Phải giải thể do bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động hoặc không gia hạn giấy phép hoạt động của VPĐD.
- Phải giải thể do hoạt động của VPĐD không phù hợp với cam kết ghi trong giấy phép thành lập VPĐD theo quy định của pháp luật.
Chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện thì có cần đăng ký với Cơ quan thuế hay không?
Thủ tục chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện được quy định tại Điều 72 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
Chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
1. Trước khi thông báo chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện phải đăng ký với Cơ quan thuế để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Như vậy, theo quy định, trước khi thông báo chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện thì doanh nghiệp phải đăng ký với Cơ quan thuế để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.